Trung tâm kế toán Hà Nội tham khảo và chia sẻ cho các bạn về những chính sách mới nổi bật trong lĩnh vực Lao động – Tiền lương có hiệu lực từ tháng 02/2016.
1. Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH 2016
Từ ngày 15/02/2016, Thông tư 58/2015/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội bắt đầu có hiệu lực thi hành. Cụ thể:
– Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng thực hiện theo Bảng 1 Điều 2 của Thông tư này.
– Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng được thực hiện theo Bảng 2 Điều 3 của Thông tư này.
Các quy định tại Thông tư này được áp dụng kể từ ngày 01/01/2016.
2. Danh mục các loại phụ cấp lương tính đóng bảo hiểm xã hội
Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ có hiệu lực từ ngày 15/02/2016.
Theo đó, từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH .
Phụ cấp lương nêu trên là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
Một số loại phụ cấp lương như sau:
– Phụ cấp chức vụ, chức danh;
– Phụ cấp trách nhiệm;
– Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
– Phụ cấp thâm niên;
– Phụ cấp khu vực;
– Phụ cấp lưu động;
– Phụ cấp thu hút;
– Phụ cấp có tính chất tương tự.
3. Giờ làm việc tiêu chuẩn cho người lao động
Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động (NLĐ) làm công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng sẽ có hiệu lực từ ngày 10/02/2016.
Theo đó:
– Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ; riêng đối với NLĐ làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 9 giờ.
– Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm theo tuần, tháng như sau:
+ Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 64 giờ; riêng đối với NLĐ làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 48 giờ.
+ Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 32 giờ; riêng đối với NLĐ làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 24 giờ.
– Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi NLĐ không quá 300 giờ.
Thông tư này thay thế Thông tư 33/2011/TT-BLĐTBXH.
4. Hướng dẫn mới về đóng bảo hiểm thất nghiệp
Ngày 16/12/2016, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 139/2015/TT-BQPhướng dẫn Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp trong Bộ Quốc phòng.
Theo đó, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
+ Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;
+ Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
+ Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm.
Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Thông tư 139/2015/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 01/02/2016.
5. Chính sách mới về hỗ trợ người lao động bị thu hồi đất
Ngày 10/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 63/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) bị thu hồi đất.
Theo đó, hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (HĐ) như sau:
– NLĐ bị thu hồi đất nông nghiệp đi làm việc ở nước ngoài theo HĐ được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP.
– NLĐ bị thu hồi đất kinh doanh đi làm việc ở nước ngoài theo HĐ được hỗ trợ như người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp.
– NLĐ bị thu hồi đất được vay vốn ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài theo HĐ từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
– NLĐ bị thu hồi đất thuộc huyện nghèo được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo HĐ theo quy định của chính sách hỗ trợ các huyện nghèo.
– NLĐ bị thu hồi đất được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài một lần theo chính sách quy định tại Điều 7 Quyết định này.
Quyết định 63/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/02/2016.
NLĐ bị thu hồi đất kinh doanh có quyết định thu hồi đất sau ngày 01/07/2014 được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo quy định tại Quyết định này.
6. Quyết định 101/QĐ-LĐTBXH năm 2016 công bố thủ tục hành chính mới thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Có hiệu lực từ ngày 10/02/2016).
7. Nghị định 134/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện (Có hiệu lực từ ngày 15/02/2016).
8. Quyết định 64/2015/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 42/2012/QĐ-TTg về hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành (Có hiệu lực từ ngày 10/02/2016).
9. Quyết định 62/2015/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 57/2013/QĐ-TTg về trợ cấp một lần đối với người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Căm-pu-chi-a do Thủ tướng Chính phủ ban hành (Có hiệu lực từ ngày 01/02/2016).
KẾ TOÁN HÀ NỘI CHÚC BẠN NHIỀU THÀNH CÔNG VÀ MAY MẮN!
Để lại một bình luận